Bán nhà thời trầm lắng, chủ nhà than: “10 khách tới xem thì 10 khách ép giá”
Khi thị trường rơi vào cảnh trầm lắng, cảnh ép giá diễn ra thường xuyên trong các cuộc giao dịch. Một số chủ nhà than, lô đất giá hơn 2,4 tỷ đồng nhưng khách đàm phán, ép giá giảm nửa tỷ đồng.
Cục diện đổi thay của thị trường địa ốc đã làm “vị thế” của những người mua – bán đã trở nên xoay chiều. Nếu như cách đây hơn 1 năm, đặc biệt là thời điểm sốt đất, người bán xác định chỉ làm việc với người mua “thiện chí”, thậm chí thẳng thắn nói: “Không thương lượng, chỉ gia lộc”. Đó là thời mà giá đất, nhà trong khu vực nội thành tăng liên tục, nguồn cung khan hiếm trong khi nguồn cầu lớn.
Nhưng đến hiện tại, sự trầm lắng chung của thị trường khiến “vị thế” của người mua thay đổi. Một môi giới còn nói vui rằng: “Giờ người đi mua là người có tiền. Có tiền là có quyền, thế nên họ tự tin trả giá thật thấp. Họ cũng tin rằng, nếu không mua của người này, họ có nhiều lựa chọn và chắc chắn sẽ tìm được sản phẩm đẹp, rẻ ở thời điểm khác. Còn người bán, đây đúng giai đoạn khó thanh khoản. Và nếu muốn bán được, họ phải hạ giá thật sâu”.
Nhiều chủ nhà than thở vì người xem đến ép giá quá sâu. (Ảnh: TV)
Rơi vào tình cảnh tương tự, anh Cường (Nam Từ Liêm, Hà Nội), chủ lô đất sát dự án Vinhomes Smart City, diện tích 48m2, rơi vào tình cảnh “bán không xong”. Lô đất này anh mua từ năm 2019 với giá 43 triệu đồng/m2. Đã có thời điểm, khi sốt đất xảy ra, lô đất của anh từng được định giá lên tới 58 triệu đồng/m2. Ở thời điểm giáp Tết, anh Cường muốn bán lô đất để lấy tiền đầu tư cho công ty đang mở rộng sản xuất kinh doanh.
Nhưng 3 tháng nay, anh vẫn chưa tìm được khách mua. Để bán nhanh, anh đưa ra mức giá 50 triệu đồng/m2, thấp hơn mặt bằng chung từ 2-4 triệu đồng/m2. Anh Cường cho biết, lô đất này được anh lựa chọn khi mua rất cẩn thận, từ vị trí nằm ở ngõ thông đến khổ đất vuông vắn. Nếu chỉ tính theo giá trị trượt giá và vay ngân hàng thì với mức rao bán 50 triệu đồng/m2, số tiền lãi thu về gần như hoà vốn.
“Đúng là bán nhà thời thị trường khó! 10 khách tới xem thì 10 khách tới ép giá. Người thì ép giá 200 triệu đồng. Người thì ép giá tới tận 500 triệu đồng. Chắc người mua bây giờ nghĩ, ép mà được giá thì chốt, không được thì chuyển sang tìm lô đất khác. Một lô đất hơn 2 tỷ, giảm giá tới 500 triệu đồng thì đúng là chủ đất như tôi lỗ nặng”, anh Cường nói.
Không khác trường hợp của anh Cường, chị Minh ở An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội bức xúc vì khách đến xem ép giá quá sâu.
“Tôi đã trao đổi với môi giới khi dẫn khách tới nhà xem rằng: Gia đình tôi rao giá bán chứ không phải nhà đầu tư đang cần tiền mà bán vội, để rồi cắt lỗ. Mức giá căn nhà tôi đưa ra đều cân nhắc tính toán dựa trên khấu hao tài sản, giá đất và chi phí xây dựng hiện tại. Nhưng người đến xem họ mặc nhiên là thời này, phải ép giá. Có khách tới xem bớt giá nhà tới 600 triệu đồng. Thực sự rất khó chịu và bực mình vì tôi thiện chí bán. Căn nhà được gia đình tôi chăm chút, thiết kế đẹp. Do hiện tại, chúng tôi chuyển vào trong nội thành, nếu để không hoặc cho thuê sợ hỏng nhà nên hai vợ chồng mới mong muốn bán lại cho gia đình có nhu cầu thực. Nhưng mà khách ép giá sợ quá”, chị Minh nói thêm.
Anh Tuấn, môi giới ở khu vực Đại Mỗ, Tây Mỗ, Dương Nội cho biết thêm: “Nếu như cuối năm trước, lượng người mua – bán diễn ra rất tấp nập. Tìm mua được căn nhà hợp tiêu chí rất khó hay ngay cả đất, nhất là ở khu vực Tây Mỗ. Năm nay, lượng hàng nhiều hơn nhưng cũng ế nhiều. Khách đi xem đều trong tâm lý: Phải ép giá nhà để được rẻ. Họ còn suy nghĩ tham khảo thị trường, trả giá dần, nếu tốt thì mua còn nếu không thì thôi. Nhiều người còn tâm lý chờ đợi qua mùa World Cup, có chủ nào vỡ nợ bán rẻ không?”.
Theo anh Tuấn, nếu thời điểm này, gia chủ không thực sự cần bán gấp thì nên dừng vì không chỉ khó bán mà người xem ép giá rất mạnh.